ĐÔI LỜI NHẮC NGƯỜI TRẺ _ Thái Bá Tân(16.04.2013)

Sống lâu trong giả dối,
Con người thành chai lì.
Nghe thì có nghe đấy,
Nhưng không cảm nhận gì.

Kiểu nước đổ đầu vịt.
Là vì da nó dày.
Dẫu sao cũng nhắc lại
Với lớp trẻ thế này.

Một, ở đời, quan trọng,
Hơn nhau ở cái lòng
Công danh, giàu có – vứt.
Rốt cục là số không.

Hai, cố sống tử tế,
Trung thực và đàng hoàng.
Đời nhiều thử thách đấy,
Và không hề dễ dàng.

Ba, học phải ra học,
Làm lại càng ra làm.
Tuyệt đối không lớt phớt
Kiểu “phong cách Việt Nam”.

Bốn, thường xuyên đọc sách,
Thích nữa, chơi nhạc luôn.
Vì chính đó là cái
Làm phong phú tâm hồn.

Năm, không đeo mặt nạ,
Khi giao tiếp ngoài đời.
Tuyệt đối không nói dối.
Nói dối nó nhỏ người.

Sáu, lo toan cuộc sống,
Nhưng đừng quên thiên nhiên.
Phải học sống đơn độc,
Thỉnh thoảng nên ngồi thiền.

Bảy, vứt mẹ cái điện thoại.
Bạn bè cũng ít thôi.
Nếu thích thì bắt chước
Không có bạn, như tôi.

Tám, phải học được cách
Ngồi mòn đít trong phòng.
Tuyệt đối không nhấp nhỏm,
Không tìm cớ chạy rong.

Chín, biết thì thưa thốt,
Không biết thì im đi.
Lặng lẽ mà tích điện
Như cái bình ac-qui.

Mười, không việc gì khó,
Chỉ sợ mình thích lười.
Đã muốn là làm được.
Vậy cố mà thành người.

Mười điều khuyên giản dị,
Mà toàn đúng, tin đi.
Tôi viết nhắc người trẻ.
Theo hay không thì tùy.

Theo thì mình được sướng.
Không theo cũng okay.
Sau thành người vớ vẩn
Đừng kêu than suốt ngày.

Hãy tin luật nhân quả.
Cố gắng thì việc thành.
Lười biếng thì thất bại.
Ở lành thì gặp lành.

Trong mọi cái, khó nhất
Là rèn luyện bản thân.
Từng tí, từng tí một,
Hàng ngày và dần dần.

Dứt khoát không có chuyện
Sống dễ dãi và lười
Mà thành giỏi, tử tế
Và thành đạt hơn người.

Thương thì khuyên như thế,
Nhưng rồi chắc bọn mày
Lại nước đổ đầu vịt.
Là vì da quá dày.


10 điều đức phật dạy

01. Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh khổ, vì không bệnh khổ thì dục vọng dễ sanh.

02. Ở đời đừng cầu không hoạn nạn, vì không hoạn nạn thì kiêu sa nổi dậy.

03. Cứu xét tâm tánh thì đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo.

04. Xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không bị ma chướng, vì không bị ma chướng thì chí nguyện không kiên cường.

05. Việc đã làm thì đừng cầu mong dễ thành công, vì việc dễ thành công thì lòng mình thường kiêu ngạo.

06. Khi giao tiếp thì đừng cầu lợi cho mình, vì cầu lợi cho mình thì sẽ mất đạo nghĩa.

07. Với người, đừng cầu mong tất cả sẽ đều thuận theo ý mình, vì được thuận theo ý mình thì lòng tất kiêu căng.

08.Thi ân thì đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp là thi ân có mưu đồ.

09. Thấy lợi thì đừng nhúng vào, vì nhúng vào lợi lộc thì si mê phải động, mà tâm trí thì hắc ám.

10. Oan ức vẫn không cần biện bạch, vì biện bạch là nhân quả chưa xa, vì làm như vậy là hèn nhát, mà oán thù lại càng thêm tăng.

Bởi vậy, Đức Phật dạy:

– Lấy bệnh khổ làm thuốc thần

– Lấy hoạn nạn làm giải thoát

– Lấy khúc mắc làm niềm vui

– Lấy ma quân làm bạn đạo

– Lấy khó khăn làm thích thú

– Lấy kẻ tệ bạc làm người giúp đỡ

– Lấy người chống đối làm nơi giao du

– Coi sự thi ân như đôi dép bỏ đi

– Lấy sự xả lợi làm vinh hoa

– Lấy oan ức làm cửa ngõ đạo hạnh.


Một truyện ngụ ngôn

Có một gã lùn nói, “Giá mà tôi cao lớn hơn một chút thôi, tôi sẽ làm được mọi thứ trên đời.” Nói chưa dứt lời, gã đã thấy một mụ phù thủy đứng ngay trước mặt gã. “Cậu muốn gì?” mụ phù thủy hỏi. Gã lùn đứng đó, khiếp đảm, chẳng nói được một chữ. “Thế nào?” mụ phù thủy hỏi. Gã lùn đứng đó, không thốt nổi một lời. Mụ phù thủy biến mất. Ngay lúc đó, gã lùn bắt đầu khóc và cắn các móng tay của gã. Đầu tiên gã nhai hết các móng tay, rồi gã gặm luôn hết các móng chân của gã.

DANIIL KHARMS


Thói quen

“… Mỗi suy nghĩ, việc làm, lời nói… giống như một sợi chỉ, nó bện từng sợi qua mỗi hành động. Dần dần nó trở thành thói quen và giống như một sợi dây thừng cuốn lấy điều khiển con người. Rồi đến một ngày nó vững chắc đến mức có thể siết lấy cuộc đời như một vận mệnh không thể nào phá vỡ…”

Chúng ta xây dựng tòa nhà cuộc đời bằng những viên gạch nhỏ là những việc chúng ta đang làm. Có điều rất ít người thực sự tỉnh táo trước sự thật đó. Bạn sẵn sàng nhặt từng hạt sạn lẫn vào gạo khi nấu cơm ăn, nhưng lại bỏ mặc rất nhiều “hạt sạn” khi xây dựng tương lai của mình : những hành động tưởng chừng như nhỏ nhưng lại tạo ra những thói quen xấu và vô cùng khó bỏ.

Đức Phật từng nói rằng, mỗi người ở thời điểm hiện tại chính là kết quả những hành động trong quá khứ, và muốn biết tương lai của một người như thế nào thì chỉ cần nhìn xem anh ta đang làm những gì. Đó cũng là một biểu hiện của thuyết Nhân – Quả. Cũng giống  như câu danh ngôn :

“Gieo suy nghĩ – Gặt hành vi

Gieo hành vi – Gặt tính cách

Gieo tính cách – Gặt số phận”

Những thói quen xấu tưởng chừng như nhỏ nhặt, nhưng khi tích lũy qua năm tháng, lại trở nên mạnh mẽ đến mức có thể biến con người thành nô lệ. Điều đó có thể diễn đạt như thế này :

“Đầu tiên, tôi chỉ là một suy nghĩ hoặc là một hành động tình cờ của bạn,

Rồi tôi trở thành một thói quen của bạn,

Và cuối cùng, tôi là người điều khiển bạn!”

Mỗi người nên chú tâm quan sát những suy nghĩ của mình. Kiên trì với một tư tưởng tích cực có thể đem lại thành công lớn, trong khi một vài mầm mống tư tưởng chỉ cần hơi lệch lạc lại rất có khả năng trở thành tác nhân dẫn đến sự suy đồi đạo đức một con người, thậm chí là một thế hệ.

Mình muốn dẫn ra vài vấn đề hiện đang nóng hổi trên mặt báo:

– Nhiều chị em ở chợ, khi biết tin về vụ “hoa khôi, người mẫu bán dâm ngàn đô” đã xuýt xoa trước số tiền hàng trăm triệu đồng mà những người mẫu này kiếm được chỉ sau một tuần “nằm phòng máy lạnh” với các đại gia. Thậm chí có chị còn tuyên bố “Tôi mà đẹp như họ thì cũng bỏ bán thịt mà đi bán dâm”(!). Không biết lời nói đó là đùa hay thật, nhưng chắc chắn có nhiều người vì tiền bạc mà sẽ làm điều tương tự. Nếu không nghiêm khắc với những suy nghĩ của mình, liệu chúng ta có thể đứng vững trước những cám dỗ đó, bán đi sự trong sạch của mình để sống một cuộc sống khá giả hơn?

– Hoặc như vụ một em gái lớp 10 sau khi bị phát tán clip làm tình cùng bạn trai đã “hiên ngang” tuyên bố việc đó là bình thường, không đáng xấu hổ.

– Hoặc như việc rất nhiều em học sinh lên án việc thầy giáo tung clip về gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2012, thậm chí nhiều em chửi thẳng bằng những comment rất “giang hồ” trên các trang mạng xã hội, thậm chí cho rằng cheating (gian lận) là việc phải được chấp nhận!

Còn nhiều trường hợp tương tự vẫn đang diễn ra. Đảo một vòng quanh các trang báo một buổi sáng, chúng ta thấy nhan nhản những bài viết như vậy. Một bộ phận giới trẻ đang lệch lạc trong những quan niệm đạo đức cơ bản. Lỗi này hiển nhiên thuộc về những người lớn hơn, đã không làm tròn bổn phận của thế hệ đi trước. Lẽ ra chúng ta phải thấy được sự nguy hiểm của một ý nghĩ lệch khi nó phát triển thành một tư tưởng và lối sống sai lầm.

Có thể bạn sẽ cho rằng vấn đề không nghiêm trọng đến vậy. Nhưng hãy thử cân nhắc xem. Một đứa trẻ trộm một hột gà, sau này nó có thể trộm cả con bò. Nếu không nghiêm khắc về vấn đề này, chúng ta đang đặt tương lai của đất nước mình và con cháu chúng ta trong tay những kẻ mánh khóe, lươn lẹo, không trung thực. Thử hỏi lúc đó, liệu thế hệ đi trước có dám mở miệng lên án những người đứng đầu đất nước rằng họ lừa đảo người dân, tham nhũng ngân quỹ, hèn nhát mà bán nước hay không? Tương lai là những gì chúng ta đang làm. Chúng ta đang biến những người chủ tương lai của đất nước thành những kẻ hợm hĩnh, yếu nhược, tham lam và dối trá.

Không đi xa hơn về vấn đề xã hội, mình chỉ muốn nói đến khía cạnh cá nhân. Chúng ta, nếu có lương tri,hẳn ai cũng muốn hoàn thiện dần bản thân, sửa chữa những lỗi lầm và thành công, cũng như thành nhân. Và chìa khóa cho việc đó, theo mình nghĩ, chính là bắt đầu từ những thói quen đơn giản nhất.

Bởi vậy trong cuộc sống hiện đại đầy cám dỗ và những xô bồ, phức tạp… chúng ta cần giữ sự tỉnh táo. Tỉnh táo để quan sát và nhắc nhở bản thân. Nghiêm túc và trung thực với chính mình. Lựa chọn những thói quen tốt, kiên tâm bỏ những thói quen không tốt. Khi đó chúng ta sẽ thực sự trở thành người có trách nhiệm với chính mình. Có ai lại đi chọn những viên gạch mục rữa để xây dựng tương lai?


Cuộc sống liệu có ẩn dấu một ý nghĩa?

Bạn đôi khi đặt cho mình những câu hỏi lớn, đại loại như: chúng ta sống để làm gì? Tại sao chúng ta phải làm tất cả những việc này? Và đằng sau những việc mà nhân loại vẫn làm hàng ngàn năm nay phải chăng chứa đựng một ý nghĩa nào đó?…

Không chỉ bạn mà hàng tỉ người cũng có những thắc mắc giống như bạn. Và những thắc mắc đó đã được đặt ra từ hàng ngàn năm nay. Con người luôn muốn tìm hiểu ý nghĩa của mọi thứ, và thứ mà con người ta gần gũi nhất chính là cuộc sống. Tại sao chúng ta sống, và tại sao người ta thường nói đến việc sống có mục đích?

Trong cuộc tìm kiếm vĩ đại đó, con người cho ra đời hàng muôn vàn lý thuyết khác nhau. Có người cho rằng chúng ta sống để vươn đến hạnh phúc, có kẻ lại cho rằng chúng ta sống là để tìm ra chính mình, đôi khi một số người “thông minh” hơn cho rằng sống là để làm những gì khiến chúng ta khoái lạc… Chúng ta cũng không ít lần được nghe người ta nói về những người sống để giúp đỡ những người khác, những nhà khoa học sống chỉ vì muốn khám phá ra những chân lý, những vận động viên sống để phá vỡ những kỉ lục hoặc những tu sĩ sống để phụng sự Chúa…

Bạn có bao giờ đọc về Đạo Lão tử chưa? Nếu bạn đọc và nghiên cứu về chúng, bạn sẽ bị hấp dẫn bởi những quan niệm về đạo, về vô vi, về triết thuyết sống thuận theo tự nhiên. Bạn nhận thấy người ngộ đạo sống chẳng khác với một đứa trẻ là mấy. Và bạn thấy đó, trẻ em có bao giờ phải đau khổ không? Chúng khóc khi bị đau, cười với tất cả mọi người và chơi đùa thoải mái mà không bao giờ phải để ý xem người khác nghĩ gì về mình. Bạn có bao giờ thử học cách sống của một đứa trẻ chưa?

Người ta thường nói, sống trong đời cần có một mục đích. Và người ta phải hiểu ý nghĩa của cuộc đời. Nhưng trên thực tế, việc đó là vô cùng khó. Người ta thường mơ hồ khi phải nói về ý nghĩa sâu sắc của cuộc đời, và thường thì không thể chỉ ra đích xác mục đích của mình trong đời. Có một số người chẳng bao giờ mảy may thắc mắc về điều này, một số người khác thì có để ý đến nhưng không thể trả lời được, một số người lại trả lời được nhưng có thể không hoàn toàn đầy đủ và rõ ràng, và có một số ít người thì thấu hiểu vấn đề một cách hoàn toàn thông suốt.

Bạn có thể nhận ra sự khác biệt này từ vẻ bên ngoài không? Thường là không! Người ngộ đạo và “kẻ phàm tục” thực ra cũng không khác nhau là mấy: đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì nghỉ… “Kẻ phàm tục” thấy mây là mây, núi là núi thì người ngộ đạo cũng thấy núi là núi, mây là mây. Họ cũng đi làm, cũng cười đùa, cũng lập gia đình, sinh con đẻ cái, nuôi chúng trưởng thành và rồi trở về với cát bụi. Nhưng cái khác giữa những người này là sự thông suốt ý nghĩa của mọi sự việc và thái độ đối với chúng. Một người bình thường có thể không sợ cái chết, nhưng không khỏi buồn khi biết mình phải giã từ cuộc đời. Trong khi một người ngộ đạo hiểu về cái chết và đón nhận nó một cách tự nhiên.

Con người sẽ mong muốn được làm một con ve, nếu biết rằng nó chỉ sống được trong mùa hạ, nhưng cả đời nó tràn ngập tiếng ca. Con ve không có tư duy như con người, nó không hiểu và cũng không cần hiểu tại sao nó lại được sinh ra, tại sao nó phải kêu cho đến khi chết…mà nó chỉ đơn giản là sống như nó phải sống, vì nó là ve nên nó đơn giản là phải sống như thế này mà không phải là thế khác. Con ve chẳng bao giờ so sánh nó với con đại bàng mặc dù con đại bàng sống năm này qua năm khác, bay lượn trên cả bầu trời xanh. Con ve chỉ cần bay lượn từ cây này sang cây kia, hút một ít nhựa cây rồi lại quay trở về ca hát. Bầu trời kia liệu có ý nghĩa gì với nó chăng?

Chúng ta may mắn có được tư duy, nhưng cũng chính vì có tư duy nên chúng ta mới có hạnh phúc và đau khổ. Nhưng biết làm thế nào được, khi tạo hóa nặn ra con người thì cũng nặn luôn cho chúng ta bộ óc biết suy nghĩ, và chúng ta đành phải đón nhận nó như một điều mang tính định mệnh. Tại sao chúng ta sống? Chỉ đơn giản là chúng ta đã ở đây, và chúng ta không có lựa chọn khi được sinh ra trên cõi đời này.

Bạn có bao giờ đặt câu hỏi là tại sao mình lại làm việc, lại yêu thương, lại phải học tập, trưởng thành, phải duy trì nòi giống… chưa? Nếu muốn có câu trả lời, bạn hãy thử làm ngược lại xem. Bạn sẽ thấy cuộc sống tẻ nhạt biết bao nhiêu khi người ta chẳng có việc gì để làm, chẳng có ai để yêu thương và cảm thấy chán ghét chính bản thân mình khi chẳng cảm thấy mình có chút gì mới mẻ hơn ngày hôm qua. Bạn có thấy mình giống với một cái đinh ốc không? Chiếc đinh ốc nằm trong một cỗ máy, và con người tạo ra nó như là một phần không thể tách rời của cỗ máy đó. Chiếc đinh ốc phải quay cùng với chuyển động của cỗ máy đó và không thể nào khác được. Nếu tách nó ra khỏi cỗ máy, nó hầu như không còn một ý nghĩa gì nữa.

Tất cả cuộc sống của chúng ta, không khác gì hơn, cũng giống như một chiếc đinh ốc trong cỗ máy khổng lồ là xã hội loài người. Nếu có khác hơn thì chỉ là chúng ta “bất hạnh” khi được trao cho bộ óc biết suy nghĩ, và từ đó có những chiếc đinh ốc vui vẻ và những chiếc đinh ốc đau khổ.

Einstein đã nói : “Cuộc sống giống như đi xe đạp, luôn phải tiến về phía trước, đôi khi chẳng vì lí do gì cả mà chỉ đơn giản là vì nếu không thì sẽ không thể giữ được thăng bằng”.

Xét một cách hình tượng, chúng ta cũng không khác cơn gió kia là mấy. Nó phải thổi vì nó là gió. Và bạn liệu có thể bắt cơn gió phải ngừng lại để nghĩ xem nó là ai và tại sao phải thổi không? Gió đã ngừng thì không còn là gió nữa, và con người chúng ta nếu dừng cũng sẽ không còn hiểu được mình nữa. Chúng ta sinh ra mang thân phận người thì cũng như cơn gió sinh ra mang hình hài cơn gió. Đã là gió thì cứ thổi, sao phải biết mình là ai?

Cuộc sống tự thân nó chẳng có ý nghĩa gì. Hoặc có thể nói một cách tương đương, là có ý nghĩa tùy ý. Nó phụ thuộc vào cách mà chúng ta cắt nghĩa cho sự tồn tại của mình, nói như gs Ngô Bảo Châu trên blog của mình.
Nếu một ngày có ai đó hỏi bạn rằng ý nghĩa của cuộc sống là gì, và rằng tại sao bạn phải làm tất cả những việc này, bạn hãy nói rằng vì bạn sinh ra là một con người, và bạn không có quyền lựa chọn. Bạn chỉ có thể có một mục đích duy nhất là làm thật tốt những gì bạn cảm thấy mình muốn làm hoặc cần phải làm trong cuộc đời này. Hãy sống như con thuyền giữa đại dương, tìm những cơn gió của tình yêu, mơ ước và lòng đam mê để căng buồm, và hãy để những cơn gió ấy đưa bạn đi. Hạnh phúc sẽ đến với bạn cùng những con sóng, những buổi hoàng hôn trên biển và cả những cơn bão dữ dội. Nhưng chính trong những cơn bão đó, bạn sẽ tìm được sự bình yên…


Nhìn và thấy

Bạn đã bao giờ ngắm nhìn hàng giờ liền một ngọn nến đang cháy chưa? Có lẽ có rất nhiều người đã làm việc này. Ngắm nhìn ngọn lửa nhỏ chao động và rung rinh trong một đêm cô đơn, nếu bên cạnh có một tách cà phê thì thật lãng mạn. Nhưng đôi khi bạn ngắm nhìn mà trong tâm trí bạn chẳng hề có ngọn nến kia. Bạn hãy thử nhớ lại và trả lời, lúc đó bạn nghĩ về ngọn nến hay bạn đang phiêu du cùng những cảm xúc xa xôi, những tình cảm vui buồn hay đơn giản là về một ai đó?

Bạn có bao giờ thả mình trên một bãi cỏ chiều hè, tay vơ vẩn ngắt một nhành cỏ non và nhìn nó chăm chú chưa? Có thể một vài trong số chúng ta, đặc biệt là những người trẻ, đã đôi lần làm việc này. Nhưng xem chừng, có lẽ lúc đó tâm trí bạn cũng lại đang vẩn vơ ở đâu đó, và bạn để nhành cỏ non trước mắt, NHÌN, nhưng không hề THẤY!

Tình trạng tương tự cũng xảy ra khi người ta làm việc nghiêm túc. Có những người đọc một cuốn sách chuyên ngành quan trọng, nhưng lại bỏ sót rất nhiều ý lớn đáng kể.

Con người chúng ta, người nào có đôi mắt bình thường đều có khả năng nhìn. Sai lệch về khả năng nhìn của con người bình thường nói chung có khác biệt nhưng không quá lớn. Tuy nhiên, sự khác nhau về “khả năng THẤY” lại vô cùng khác nhau.

Một người thợ lặn lão luyện có thể trầm mình giữa dòng nước xoáy, thuận theo nước mà lên hay xuống nhưng không hề phải tốn sức là vì anh ta không còn phân biệt giữa mình và nước nữa.

Một kiếm sĩ đạt cảnh giới thượng thừa thì kiếm và thân bao giờ cũng như hợp nhất.

Khi chúng ta ngắm nhìn mọi vật, tâm trí của chúng ta như con ngựa, rong chơi hết chỗ này lại chạy đi chỗ khác. Thành ra chúng ta nhìn mà không hề thấy. Bạn hãy học cách quan sát sự vật bằng một cái tâm tĩnh lặng, chỉ khi đó bạn mới có thể THẤY được một cách thuần khiết nhất, gần gũi nhất. Khi đó, bạn sẽ không còn phân biệt bạn là người quan sát và vật mà bạn đang quan sát nữa.

Mặt nước hồ mùa thu trong veo và phẳng lặng, bầu trời phản chiếu trong nước lúc nào cũng trong sáng, rõ ràng. Nhưng nếu một cơn gió làm lay động mặt nước, thì những hình ảnh phản chiếu cũng tự khắc nhòe đi. Nếu có thể giữ được cái tâm phẳng lặng như mặt nước hồ thu, bạn sẽ học được cách nhìn thế giới bằng đôi mắt của một đứa trẻ, cảm giác bạn đã quên từ lâu nhưng sẽ vô cùng thú vị…

Có người hằng ngày đi làm trên một con đường, nhưng mãi đến lúc nghỉ hưu, khi đi dạo với gia đình, mới nhận thấy trên con đường có một cây anh đào rất đẹp. Anh ta thấy tiếc tiếc…

Chúng ta cũng thường bỏ qua những điều đẹp đẽ và kì diệu trong cuộc sống giống như người trong câu chuyện trên. Đôi khi chúng ta quá vội vã, nhưng đôi khi là vì chúng ta không để tâm rèn luyện lấy kĩ năng quan sát cho mình.

Khi bạn biết cách để cho tâm mình trống rỗng, bạn đang làm mặt nước hồ từ đục chuyển thành trong. Và khi đó, bạn sẽ biết thế nào là vẻ đẹp của một giọt sương, của chiếc lá, của một ô cửa sổ. Bạn sẽ phải ngạc nhiên trước sự kì lạ của những thứ rất đỗi bình thường: một góc phố quen, một vài mái nhà thấp thoáng, thậm chí là cả một chiếc xe đạp cũ, một bức tường đổ, một hòn đá cuội…